Henry Ford - ông vua xe hơi của nước Mỹ


Henry Ford Wiki

Gần một thế kỷ trôi qua, kể từ khi chiếc xe hơi đầu tiên ra đời đến nay, với phong cách độc đáo của riêng mình, xe hơi của Henry Ford đã chạy khắp mọi ngõ ngách trên thế giới, đã đi vào đời sống của mọi người như một phương tiện thiết yếu. Henry Ford xứng đáng được xem là “ông vua xe hơi” của nước Mỹ.



Cậu bé có tài năng thần kỳ
Henry Ford sinh ngày 30/07/1863 tại một trang trại vùng Greenfield, thuộc tiểu bang Michigan. Năm 1843, gia đình ông từ Ireland di cư sang Mỹ. Cha ông là chủ một trang trại chuyên việc đồng án. Nhưng ngay từ lúc còn bé, Henry đã không thích cầm cây cuốc để làm nông nghiệp, ông chỉ đam mê các loại máy móc.
Chuyện kể rằng, lần đầu tiên thấy cha có chiếc đồng hồ đeo tay, Henry như bị hút hồn vào đó. Cậu hỏi mượn cho bằng được rồi sau đó lén đem vào phòng riêng để ngắm nghía từng chi tiết tinh xảo của chiếc đồng hồ giây cót. Đi đâu cũng thế, thấy chỗ nào có máy móc, thiết bị gì là Henry Ford đòi vào xem bằng được. Thấy xe lửa chạy được nhờ đầu máy hơi nước, Henry Ford lân la tìm hiểu và quyết tâm tự làm thử một cái tương tự.
Đã có lần Henry làm cả trường sợ hết hồn khi dám thử nghiệm một động cơ chạy hơi nước tự tạo tại sân trường. Chiếc động cơ nổ tung nhưng cậu bé Henry thì thoả mãn với sản phẩm thí nghiệm đầu đời của mình. Khi đó ông chỉ đang là học sinh tiểu học. Ham muốn tìm hiểu và phát minh kỹ thuật chính là điểm khác biệt mà mọi người dễ nhận ra ở cậu bé Henry Ford hiếu kỳ và nghịch ngợm này.
Sau này, lớn lên đi làm, ở đâu Henry Ford cũng làm mọi người kinh ngạc và khâm phục về sự khéo léo và tài năng kỹ thuật thần kỳ của ông. Dù làm ở một xưởng gỗ hay một xưởng cơ khí, Henry Ford luôn nghĩ đến việc phải cơ khí hoá, động cơ hoá các thiết bị máy móc.
Chính Henry là người đã thiết kế nên những chiếc máy cắt cỏ, máy kéo có động cơ đầu tiên. Khác với các động cơ hơi nước chạy bằng than đá của ngành xe lửa, các động cơ của Henry có thể chạy bằng củi. Vì thế nên sản phẩm của ông rất phù hợp và hữu dụng cho những người nông dân và thợ thủ công, thợ cơ khí nhỏ. Chính việc hoàn thiện những sản phẩm nhỏ này là cơ sở để Hery hình thành nên những ý tưởng lớn hơn trong tương lai.
Sau nhiều năm tìm tòi và thử nghiệm, vào mùa hè năm 1896, Henry Ford đã hoàn thành chiếc xe ôtô chạy hơi nước đầu tiên của mình. Cho dù chỉ chạy được với tốc độ trên 10km/giờ và không có khả năng đi lùi hay quay đầu nhưng chiếc xe thử nghiệm của Henry Ford là một kỳ tích gây chấn động dư luận lúc đó. Phải thêm hai năm nữa thì Henry Ford đã chế tạo thành công chiếc xe ô tô đơn giản nhưng có khá đầy đủ chức năng để có thể lưu thông trên đường. Ngay lập tức, Henry Ford đã có hợp đồng đặt xe đầu tiên trong đời mình. Bưu điện thành phố Detroit đã đặt mua 4 chiếc xe để chở bưu kiện.
Sản xuất xe hơi cho số đông
Từ năm 1903, công ty xe hơi Ford mới được chính thức ra đời. Henry Ford đã liên kết với một doanh nghiệp chuyên kinh doanh than đá để có vốn lập công ty. Từ đó, ông bắt đầu thuê thợ để chế tạo và lắp máy chứ không tự mày mò vừa thiết kế, vừa chế tạo và lắp ráp như những chiếc xe đầu tiên. Đơn đặt hàng mua xe ngày càng nhiều hơn khiến Henry buộc phải nghĩ đến việc chuyên môn hoá các công đoạn sản xuất.
Nếu lúc đầu Henry Ford có thể chế tạo xe theo yêu cầu riêng của từng khách hàng thì giờ đây ông đã chuyển sang tiêu chuẩn hoá các chi tiết phụ tùng của xe. Bên cạnh tài năng kỹ thuật thiên phú, các phẩm chất của một nhà quản lý công nghiệp cũng đã bắt đầu hình thành trong con người của Henry Ford.
Là một nhà kỹ thuật bẩm sinh, Henry Ford không bao giờ tự hài lòng về những chiếc ô tô của mình. Ông vẫn miệt mài say sưa với các mô hình ô tô được cải tiến chất lượng. Vì vậy, những sản phẩm xe hơi ngày càng nhanh hơn và đẹp hơn của Ford đã ra đời.
Tổng cộng trong vòng hơn 5 năm đã có tới 8 thế hệ xe Ford khác nhau có mặt trên thị trường. Trên cơ sở đó, Henry Ford đã rất thành công khi xây dựng một tập đoàn xe hơi hiện đại bậc nhất. Hiện nay, Ford vẫn là tập đoàn xe hơi đứng số 2 ở Mỹ với doanh số bán xe lên tới hàng trăm tỉ USD mỗi năm.

Comments

Popular posts from this blog

Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ

Điều ít biết về cuộc đời "khác thường" của Steve Jobs

Người quan trọng nhất Apple: Jonathan Ive