Chiến lược thả con săn sắt, bắt con cá rô

Chiến lược thả con săn sắt, bắt con cá rô


Hôm nay trên đường đi làm về, thấy cửa hàng của Thegioididong.com (TGDĐ) treo cái biển rất to ở mặt tiền cửa hàng: "Thẻ cào - Thẻ game rẻ nhất thị trường ( 100.000đ) - 95.000đ"


Chiến lược thả con săn sắt, bắt con cá rô
Marketing


 Ai đã từng kinh doanh thẻ cào điện thoại thì đều biết rằng thẻ giấy được chiết khấu 5% là mức có thể nói là cao nhất rồi. Như vậy có nghĩa là TGDĐ hầu như bán nguyên giá vốn nhập vào. Họ làm vậy được gì? Lãi ở đâu? Thực chất, xin được võ đoán đây là 1 chiêu trong kinh doanh, gọi là chiến lược "thả con săn sắt, bắt con cá rô" - nghĩa là chấp nhận hi sinh món lợi nhỏ để thu về món lợi lớn hơn.


Chúng ta cùng phân tích chiêu này nhé: Thẻ cào là loại mặt hàng mà khách hàng rất quen dùng, dùng thường xuyên và phổ biến. Thông thường các nơi chỉ dám chiết khấu 2% cho khách hàng thôi, tức là thẻ 100k thì bán 98k. Nhưng TGDĐ sẵn sàng không thu lợi từ dịch vụ này (hoặc lợi rất ít) bởi các nguyên nhân: 1. Lợi nhuận thấp: Cứ cho là nếu TGDĐ cũng chỉ chiết khấu 2% như các nơi khác, thì tính ra mỗi thẻ 100k TGDĐ thu về được 3k (3%). Mỗi cửa hàng TGDĐ bán giỏi lắm 1 tháng được 500 triệu VNĐ tiền thẻ cào. Vậy lợi nhuận được khoảng 15 triệu. Đây là con số quá bé so với doanh số bán hàng của 1 cửa hàng. 2. Khách hàng có tâm lý so sánh giá rất rõ rệt. TGDĐ bán giá thẻ cào rẻ nhất thị trường như vậy thì đảm bảo rằng, khách hàng sẽ đến cửa hàng của TGDĐ mà nạp thẻ, mặc dù ngay cạnh nhà có quầy bán thẻ cào và chiết khấu 2% đi chăng nữa, nhưng tâm lý về nhạy cảm giá nó khiến khách hàng phải làm vậy. Đây là lý do chính mà TGDĐ quyết định bán thẻ cào phi lợi nhuận. 

Việc này đã trở thành công cụ cực tốt để kéo khách hàng đến với cửa hàng thường xuyên hơn, thậm chí tháng nào cũng ghé thăm cửa hàng của TGDĐ vài ba lần để mua thẻ cào. Qua đó, TGDĐ chẳng mất thêm đồng xu nào để marketing hay quảng cáo dụ khách hàng đến cả. Và khi khách đã đến cửa hàng, thì bằng chiêu bài bày sản phẩm la liệt, nhân viên bán hàng xinh đẹp mời trải nghiệm thử các sản phẩm mới, loa đài xập xình oang oang các chương trình khuyễn mãi mà TGDĐ đang triển khai,... sẽ tạo trong tâm trí mỗi khach hang về sự hiện diện của thương hiệu TGDĐ mỗi khi nghĩ đến việc mua điện thoại, là cách truyền tải thông điệp quảng cáo trực diện nhất tới khách hàng và áp dụng đúng nguyên tắc AIDA (Attention - Interest - Desire - Action) trong marketing khiến cho cơ hội để những khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng thật sự của họ rất cao.

Chiến lược này có thể áp dụng cho rất nhiều bài toán kinh doanh như: - Cửa hàng bán đồ Mẹ và Bé: bán bỉm giá vốn để thu hút khách hàng đến thường xuyên, qua đó họ có thể mua thêm đồ chơi, đồ dùng cho trẻ (bỉm thì tháng nào chẳng phải dùng). - Quá bia hơi: giá mỗi cốc bia rất rẻ để kéo khách đến nhậu, qua đó kiếm lời từ lạc rang hay các đồ nhậu khác - Cửa hàng bán iPhone: thu lời ít từ việc bán máy nhưng lại kiếm rất tốt từ dán màn hình hay phụ kiện - ... Nguyên tắc của chiến lược này là không kiếm lời hoặc kiếm lời ít (đảm bảo giá tốt nhất) từ mặt hàng có nhu cầu thường xuyên, dễ dàng so sánh giá (mức độ cạnh tranh về giá cao) và lợi nhuận thấp, mà kiếm lời từ các sản phẩm khó so sánh giá, mẫu mã đa dạng và phù hợp với số đông.

 (Nguồn: FB )

Comments

Popular posts from this blog

Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ

Điều ít biết về cuộc đời "khác thường" của Steve Jobs

Người quan trọng nhất Apple: Jonathan Ive